Nhân kỷ niệm 31 năm Ngày nhà giáo Việt Nam, Công đoàn ngành giáo dục Thành phố đã tổ chức hội thao với các bộ môn như: bóng bàn, kéo co, bóng chuyền, quần vợt, cầu lông và đua thuyền rồng… Hội thao đã thu hút trên 2.000 vận động viên là giáo viên, học sinh tại các trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở và các trường tiểu học trên địa bàn Thành phố tham gia. Hội thao tiến hành trong không khí thi đua sôi nổi, các đội đã thi đấu hết mình, đem lại những giây phút vui tươi thú vị cho người xem. Cùng với nhiều phong trào khác do Công đoàn giáo dục Thành phố phát động trong thời gian qua, hoạt động thể thao chào mừng Ngày Nhà giáo hằng năm là sân chơi bổ ích cho đội ngũ cán bộ, viên chức, lao động ngành giáo dục, vừa chăm lo đời sống tinh thần, vừa góp phần phát triển phong trào rèn luyện thể chất, xây dựng tinh thần đoàn kết, giao lưu học hỏi giữa cán bộ, viên chức, lao động các đơn vị trong ngành giáo dục. Hội thi đua thuyền rồng truyền thống được Công đoàn Giáo dục Thành phố phối hợp với Công viên văn hóa Đầm Sen tổ chức với sự tham gia của hàng trăm giáo viên, học sinh đã trở thành ngày hội được chờ đợi nhất nhân dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam hàng năm, hội thi đua thuyền rồng đã tạo không khí tranh tài sôi động giữa các đội thuyền rồng, nhịp trống rộn ràng cổ vũ nhiệt tình của đội ngũ cổ động viên đã tạo nên nét riêng biệt cho hội thi. Thông qua sân chơi tranh tài này, trình độ chuyên môn, kỹ năng của các vận động viên, các đội ở từng bộ môn, ngày càng tiến bộ, hoàn thiện hơn và có nhiều nhân tố mới; do đó các cuộc thi diễn ra hết sức quyết liệt, ngang tài ngang sức, sôi nổi và hào hứng với nhiều kịch tích nhưng vẫn mang nét đẹp rất riêng của đội ngũ thầy cô giáo. Số lượng vận động viên, đơn vị tham gia hội thao năm nay tăng hơn nhiều so với hội thao các năm trước.
Một nét mới, hấp dẫn trong đợt hoạt động kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay là hội thi nấu ăn với chủ đề “Nhà giáo với ngày hội ẩm thực 3 miền” với 134 đơn vị đăng ký tham gia. Đến với ngày hội ẩm thực, các thầy, cô giáo không chỉ trổ tài làm bếp tạo ra các món ăn nổi tiếng của 3 miền mà còn thể hiện sự khéo léo của mình trong phần trang trí các gian hàng, trưng bày các món ăn nhằm mang lại nhiều ấn tượng nhất cho ban giám khảo và các cổ động viên. Hội thi là cơ hội tốt để đội ngũ giáo viên có dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với nhau về các món ăn truyền thống. Từ đó, giúp cho đội ngũ Nhà giáo hiểu biết thêm những món ăn mới nhằm cải thiện bữa cơm của gia đình ngày càng phong phú hơn. Đặc biệt, qua ngày hội ẩm thực, số tiền bán hàng thu được sẽ đóng góp vào quỹ Học bổng Nguyễn Đức Cảnh của ngành nhằm giúp cho con của các đồng nghiệp có hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, có điều kiện học tập tốt hơn.
Đến với chương trình giao lưu “Cô giáo như mẹ hiền” năm nay, Công đoàn ngành giáo dục Thành phố đã tuyên dương 105 giáo viên bậc học mầm non tiêu biểu. Đây là những cô tiên đã tận tụy chăm sóc những bông hoa nhỏ của mình trong công tác nuôi dạy trẻ. Nhiệm vụ của cô giáo là hết sức vất vả và nặng nề, không chỉ dừng lại ở việc lo cho các em từng miếng ăn giấc ngủ, mà các cô còn là nhũng người định hướng giúp cho trẻ phát triển các mặt một cách toàn diện nhất. Với phương pháp giảng dạy uyển chuyển, linh hoạt cô luôn lấy trẻ làm trung tâm; với sự nhiệt tình trong công tác, các cô đã nhận được sự quý mến, tin yêu của trẻ, được phụ huynh tín nhiệm và luôn được đồng nghiệp quí mến. Bằng những đóng góp, sự hy sinh thầm lặng của mình, những cô giáo tiêu biểu trong buổi giao lưu thật xứng đáng được vinh danh “Cô giáo như mẹ hiền”.
Cùng với chương trình giao lưu “Cô giáo như mẹ hiền” do Công đoàn Giáo dục Thành phố tổ chức, Liên đoàn Lao động Thành phố đã tổ chức chương trình giao lưu “Thầy trò thành đạt”. Đây là chương trình truyền thống hàng năm của Liên đoàn Lao động Thành phố nhằm tôn vinh những đóng góp quý báu của các thầy, cô giáo đang giảng dạy tại các trường Đại học. Chương trình đã giới thiệu và vinh danh 23 thầy, cô giáo có nhiều đóng góp trong các hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Người đầu tiên mà chúng tôi muốn nhắc đến là Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Văn Hoàng - Phó trưởng Khoa Vật Lý – Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM. Sau một thời gian dài học tập và làm việc tại Liên Bang Nga, năm 1996 thầy Lê Văn Hoàng quyết định quay về quê hương làm việc tại Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh cho đến nay. Không ngừng trau dồi, học hỏi chuyên môn để thích ứng với môi trường mới, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với sinh viên là những điều mà chúng ta dễ nhận ra ở thầy. Ý thức được trách nhiệm cao cả của sự nghiệp “trồng người”, thế hệ nối tiếp thế hệ, những lớp người đã cống hiến công sức, cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, thầy Lê Văn Hoàng đã và đang hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Với cương vị là một Phó giáo sư, Tiến sỹ khoa học, thầy Lê Văn Hoàng có rất nhiều công trình nghiên cứu với những đề tài mang tính ứng dụng cao. Dù bận rộn với vai trò của một Phó Trưởng khoa, thầy vẫn dành thời gian tận tụy hướng dẫn nhiều khoá luận, luận văn thạc sỹ và luận án tiến sỹ. Để có được những thành tựu như ngày hôm nay đó là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của người chèo lái con thuyền tri thức. Gần 30 năm đứng trên bục giảng là suốt ngần ấy năm phấn đấu, và ở bất kỳ vai trò nào, thầy Lê Văn Hoàng cũng luôn không ngừng học hỏi, tìm tòi, sáng tạo để nâng cao kiến thức chuyên môn nghề nghiệp.
Dưới mái trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, đôi thầy trò Phó giáo sư Tiến sỹ khoa học Lê Văn Hoàng và tiến sỹ Nguyễn Ngọc Ty là hai giảng viên giỏi về chuyên môn và rất tâm huyết với bộ môn Vật Lý. Trải qua gần 10 năm, luôn dõi theo từng bước đi của học trò mình từ những ngày đầu gặp gỡ, đến nay, sự gắn bó giữa thầy trò trên giảng đường và trong cuộc sống vẫn bền chặt, keo sơn. Tuổi đời còn rất trẻ khi mới 28 tuổi đã là một tiến sĩ. Đó không chỉ là nỗ lực của bản thân thầy Nguyễn Ngọc Ty mà còn là sự hướng dẫn tận tâm của thầy Lê Văn Hoàng để đạt được những thành quả trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học như ngày hôm nay. Hay nói chính xác hơn đó chính là thành quả của thầy và trò. Bên cạnh đó, thầy Nguyễn Ngọc Ty còn tham gia tổ chức xây dựng hệ thống siêu máy tính, tổ chức ngày Vật lý, người giáo viên Vật lý tương lai,…và nhiều hoạt động ý nghĩa bổ ích cho sinh viên ngành Vật lý tham gia.
Tinh thần trách nhiệm và niềm say mê nghiên cứu khoa học phục vụ công tác giảng dạy và được ứng dụng vào thực tiễn của thầy trò Lê Văn Hoàng và Nguyễn Ngọc Ty rất đáng để chúng ta suy ngẫm và trân trọng. Tấm gương tiêu biểu của hai thầy trò trường Đại học Sư phạm TP.HCM cần được biểu dương nhân rộng để góp phần đưa sự nghiệp giáo dục đào tạo nước nhà ngày một phát triển hơn.
Đối với công tác giáo dục, đào tạo; bên cạnh giáo dục phát triển trí lực, thì việc rèn luyện, nâng cao thể lực cho thế hệ trẻ hiện nay là một công việc vô cùng cấp bách. Bởi lẽ, việc xây dựng một đất nước giàu mạnh, phồn vinh chỉ có thể thành công khi mỗi công dân có được một trí tuệ minh mẫn bên trong một cơ thể khỏe mạnh. Trách nhiệm nặng nề và gian khó ấy đã được trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Tp.Hồ Chí Minh thực hiện một cách xuất sắc. Và chúng ta không thể không nhắc đến vai trò của “người đứng mũi chịu sào” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Huỳnh Trọng Khải – Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao TP.HCM.
Nhà giáo Huỳnh Trọng Khải đã trải qua một quá trình công tác với nhiều vị trí và cương vị khác nhau. Thế nhưng vai trò của người đem kiến thức để “trồng người” luôn là hoạt động chính của ông. Bộ môn ông hướng dẫn chính là: Lý luận và phương pháp giáo dục thể chất và Lý luận nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thể dục thể thao. Ở bất kỳ vị trí công tác nào, ông cũng được đồng nghiệp và nhất là luôn được các thế hệ sinh viên trân trọng và quý mến. Dưới sự lãnh đạo của ông, trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP.HCM đã có những thay đổi cơ bản tích cực trong công tác đào tạo, xây dựng để nhà trường thật sự là một tập thể sư phạm thống nhất, đoàn kết và vững mạnh, nhiều năm liền được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”.
Trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, ông là chủ nhiệm của 6 đề tài cấp Bộ và TP.HCM.; Biên soạn hơn 10 giáo trình phục vụ giảng dạy Đại học và Cao học. Ông còn là tác giả của nhiều bài báo khoa học chuyên ngành Thể dục thể thao và giáo dục thể chất. Ông đã được phong tặng nhiều bằng khen và danh hiệu cao quý của nhà nước. Thế nhưng với ông, có lẽ danh hiệu cao quý nhất chính là sự thành đạt của các học trò mà ông đã dẫn dắt qua nhiều thế hệ. Nhiều người hiện giữ các vị trí công tác khác nhau trong xã hội, có người được giữ lại trường để tiếp nối sự nghiệp của thầy, có người mà hầu như ngang với thầy về tuổi tác…nhưng tựu chung là mối quan hệ thầy trò thẳm sâu và trường tồn mãi theo năm tháng.
Đối với Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đức Trọng - Trưởng khoa Toán - Tin, Giám đốc Trung tâm Khoa học Toán học - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, sau khi tốt nghiệp Đại học khoa Toán năm 1986, Giáo sư - Tiến sỹ Đặng Đức Trọng đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ Toán học tại Đại học Tổng hợp và Đại học Ecole Polytechnique Pháp khi vừa tròn 32 tuổi với đề tài “Nghiệm toàn cục của một số bài toán trong cơ học” và được phong hàm giáo sư năm 2011. Công tác tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM từ năm 1988 cho đến nay.
Là nhà toán học đầu tiên của phía Nam được trao giải thưởng của Hội Toán học Việt Nam. Ông là người thầy tận tâm của nhiều thế hệ học trò, luôn đề cao tính kỷ luật; nhưng với ông, toán học không thể thiếu niềm đam mê và sáng tạo. Mỗi trường một cách làm, mỗi nhà giáo một sự sáng tạo nhưng tất cả đều chung tinh thần xây dựng đội ngũ nhà giáo vững về chuyên môn, đẹp về phong cách, xứng đáng là tấm gương sáng để học sinh noi theo.
Đến bây giờ Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đức Trọng vẫn cho rằng mình luôn may mắn khi gặp được những người thầy - những người đã giúp một cậu học sinh “bình thường” trở thành một Phó Giáo sư ở tuổi 39. Bên cạnh đó là sự may mắn đến từ gia đình, một gia đình luôn tôn trọng và khuyến khích việc học tập, không đòi hỏi việc học tập đó phải sinh ra tiền; nhờ vậy, ông có thể theo đuổi việc học trong nhiều năm liền. Trong tâm khảm, ông cảm thấy rất biết ơn và kính trọng các thầy của mình.
Qua buổi giao lưu do Liên đoàn Lao động Thành phố tổ chức, các đoàn viên công đoàn và công nhân, viên chức, lao động có dịp hiểu thêm công việc, cùng những thành tựu cũng như những hạn chế cần khắc phục về công tác giảng dạy và đào tạo của các thầy cô giáo. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn và thiếu thốn về trang thiết bị, nhân lực nhưng tập thể cán bộ, thầy cô vẫn khắc phục khó khăn đem lại tri thức, niềm vui và lòng tin cho bao thế hệ học trò. Dịp này, Liên đoàn Lao động Thành phố đã tuyên dương 23 nhà giáo đã không quản ngại khó khăn, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo; là những tấm gương hy sinh thầm lặng vì thế hệ tương lai; những thầy cô giáo tiêu biểu trong buổi giao lưu thật xứng đáng được vinh danh, xứng đáng để các thế hệ học trò và xã hội kính yêu, tôn trọng./.